Chính quyền Ebla

Chính quyền vương quốc đệ nhất gồm vua (được tôn là Malikum) và đại wazir đứng đầu hội đồng nguyên lão (Abbu) và bộ máy hành chính.[139] Vương quốc đệ nhị cũng có chế độ quân chủ[83] nhưng ít được biết đến vì thiếu các văn bản ghi chép lại.[73] Vương quốc đệ tam là chế độ quân chủ thành bang, chư hầu dưới quyền Yamhad.[140]

Bộ máy hành chính của vương quốc đệ nhất

Hoàng hậu chia sẻ việc điều hành vương quốc với vua.[111] Thái tử tham gia nội chính còn nhị hoàng tử đảm nhiệm đối ngoại.[111] Hầu hết công việc kể cả quân đội đều qua tay wazir và bộ máy hành chính gồm 13 chức sắc triều đình — mỗi người quản lý 400 đến 800 người dưới tạo nên bộ máy hành chính 11.700 người.[139] Hạ thành được chia bốn, mỗi khu do một giám trưởng quản lý cùng nhiều phó quan.[111] Để kiểm soát lợi ích hoàng tộc, vua bổ nhiệm các vụ (mashkim), thu trữ (ur) và sứ giả (kas).[32]

Đơn vị hành chính

Nhiều vương quốc chư hầu phụ thuộc vào Ebla nhưng đều có vua riêng (En). Các vua đó có quyền tự chủ cao, chỉ phải cống nạp và hỗ trợ quân binh cho Ebla.[32] Trung tâm hành chính ở kinh đô gọi là "SA.ZA"; gồm cung điện hoàng gia, kho chứa và một số đền thờ.[141] Vùng bên ngoài tường thành kinh đô trong các văn bản Ebla được gọi là "uru-bar" (ngoại thành).[141] Các làng và thành trực thuộc trung ương sẽ nhận quyền quản lý trực tiếp từ kinh đô[141] hoặc đặt các chức quan cai quản.[141] Chức danh hành chính không phân định rõ ràng trách nhiệm và quyền hạn vì mỗi thành đều có truyền thống chính trị riêng.[142]

  • Lugal: ở Lưỡng Hà, lugal chỉ về vua nhưng đối với Ebla, từ này chỉ về quan tổng đốc trực thuộc quyền kinh đô.[143] Chức vụ này nằm trong bộ máy hành chính Ebla nhưng không được diễn giải rõ ràng. Lugal nằm dưới quyền đại wazir,[144] họ cai quản các thành dưới danh nghĩa kinh đô và phải chuyển hàng hóa về kho chứa của Ebla.[141] Pettinato đếm được 14 lugal khác nhau trong các văn bản hành chính Ebla nên suy ra vương quốc được chia làm 14 đơn vị; hai trong số đó nằm ở kinh đô, phần còn lại chia làm 12 đơn vị trên khắp vương quốc.[145]
  • Ugula: có thể tạm dịch là tổng quản; một số ugula cai trị độc lập hoặc đại diện cao nhất của một bộ tộc.[146] Nhiều thành bổ nhiệm ugula làm người đứng đầu như thành Darum chẳng hạn.[141]

Khôra

Các vùng nằm dưới quyền trực tiếp của vua có ý nghĩa quan trọng về kinh tế đối với kinh đô được các nhà khảo cổ học gọi là "khôra".[7][147] Rất khó xác định được quy mô các vùng như vậy và cho cả lãnh thổ vương quốc vì liên tục có chiến tranh bành trướng. Các khôra mới thường xuyên được sáp nhập, một số thì vua sẽ cai quản trực tiếp, một số lại tiếp tục dưới danh nghĩa chư hầu tự chủ.[147]

Nói chung, khôra là vùng trực thuộc cơ bản đóng góp kinh tài cho kinh đô,[7] gồm các thành và làng mạc mà vua và wazir đặt cung điện, nơi có điện thờ các thần bảo hộ hoàng gia, nơi diễn ra nghi thức tế lễ hoàng gia,[note 16] và các thành khác như nơi vận chuyển vải dệt.[149] Khôra trải rộng 3.000 km² từ tây sang đông gồm cả đồng bằng phía đông Jabal Zawiya, đầm Maṭkh, núi al-Hass và núi Shabīth.[150] Các khu vực tiếp giáp với khôra như al-Ghab, al-Rougeal-Jabbul có liên hệ văn hóa gần gũi với khôra.[150]